quy trình an toàn vận hành cầu trục
An toàn lao động - ESC
QUY TRÌNH SỬ DỤNG AN TOÀN CẦU TRỤC
A. KIỂM TRA TRƯỚC KHI HOẠT ĐỘNG:
1. Trước khi hoạt động:
– Kiểm tra bên ngoài hệ thống đường ray, liên kết ray của máy trục, kiểm tra hệ thống di chuyển bánh xe, công tắc hạn chế di chuyển…
– Kiểm tra khung cần trục, lan can, bậc lên xuống, ray xe con, bulông liên kết ray, di chuyển xe con và các công tắc hạn chế hành trình.
– Kiểm tra động cơ điện, tủ điện, các hệ thống dây dẫn, dây điện nguồn, cầu dao tổng… xem xét kỹ càng và cẩn thận.
– Kiểm tra cáp, tời, hộp số móc và các cơ cấu hạn chế hành trình.
– Sự quấn cáp trên tời, nhớt trong các hôp giảm tốc… và bôi trơn nếu cần.
– Kiểm tra các đồng hồ báo, đèn, kèn báo( nếu có ) của hộp bấm điều khiển cầu trục.
– Kiểm tra ánh sáng phục vụ tại hiện trường xem đủ để làm việc an toàn hay không.
2. Phát động thử máy hoạt động:
– Tiến hành đóng các hệ thống cầu dao tổng rồi thử hoạt động của các cơ cấu nâng móc, phanh hãm, di chuyển xe con, cầu trục, xem xét hoạt động của các đồng hồ, đèn, kèn báo, công tắc hạn chế hành trình.
Sau khi thử hoạt động của các cơ cấu nếu thấy đảm bảo thì cho cầu trục ra hoạt động.
B. SỬ DỤNG AN TOÀN CẦU TRỤC TRONG HOẠT ĐỘNG:
– Chỉ sau khi thử hoạt động các cơ cấu đảm bảo an toàn mới đưa cầu trục ra hoạt động.
– Trong quá trình hoạt động, công nhân vận hành luôn lắng nghe sự hoạt động của các cơ cấu xem có bình thường không, quan sát các đồng hồ báo, đèn tín hiệu để xem xét, quyết định công việc.
– Luôn chú ý đến phanh hãm, các cơ cấu hạn chế hành trình…
– Trước khi thao tác nâng vật liệu hay thả vật liệu phải nhấn kèn báo cho mọi người biết.
– Thực hiện thao tác từ từ, không để giậc cục, không thay đổi chiều quay đột ngột.
– Luôn chú ý sự cuốn cáp trên các tang khi làm việc để tránh chồng cáp lên nhau.
CẤM:
• Người đứng phía dưới móc hàng lúc di chuyển cũng như xả hàng.
• Kéo lê tải trong lúc hoạt động.
• Người không có trách nhiệm vào lái.
• Điều khiển hoạt động khi có người đứng trên cầu trục ( trừ các trường hợp kiểm tra thiết bị khi cần thiết).
• Hoạt động khi có các hiện tượng lạ.
Khi kết thúc làm việc: tiến hành vệ sinh sơ bộ, đẩy các tay điều khiển về số 0, ngắt điện, khóa bánh xe vào ray (nếu có) ghi chép tóm tắt các tình trạng cầu trục vào sổ giao ca hay nhật trình máy.
QUY TRÌNH BẢO DƯỠNG KỸ THUẬT CẦU TRỤC
A. Ý NGHĨA CỦA VIỆC BẢO DƯỠNG KỸ THUẬT:
Bảo dưỡng kỹ thuật (BDKT) nhằm kéo dài tuổi thọ chi tiết, hạn chế những hư hỏng đột xuất, bảo đảm an toàn thiết bị, an toàn lao động cho con người và hàng hóa, góp phần nâng cao năng xuất thiết bị và giảm giá thành xếp dở, lắp dựng.
B. NỘI DUNG CỦA CÔNG TÁC BẢO DƯỠNG KỸ THUẬT:
BDKT được phân làm 4 cấp:
– Bảo dưỡng hàng ngày (thường xuyên).
– BDKT Cấp I: Thường sau 150 giờ hoạt động.
– BDKT Cấp II: Thường sau 300 giờ hoạt động.
– BDKT Cấp III: Thường sau 1500 giờ hoạt động.
1. Bảo dưỡng hàng ngày:
Các công việc làm thường ngày trước và sau một ngày làm việc của cần trục:
– Kiểm tra sơ bộ bằng mắt thường, kiểm tra xiết chặt các chi tiết của cần trục như nội dung kiểm tra trước lúc phát động máy.
– Sau hàng ca (ngày) hoạt động người thợ lái chính và phụ phải thường xuyên ghi chép tình trạng máy vào sổ giao ca hay nhật trình của máy.
2. Bảo dưỡng kỹ thuật cấp I:
a. Công tác bôi trơn:
– Thực hiện vệ sinh máy móc sạch sẽ cụm xe con, dầm cầu trục, hệ thống đường ray.
– Kiểm tra dầu nhớt trong hộp giảm tốc, bôi trơn các cơ cấu truyền động xích, bánh xe di chuyển, vòng bi các loại, chốt ắc, puli của cụm móc, cáp nâng.
b. Công tác kiểm tra xiết chặt:
– Kiểm tra hoạt động của các loại đồng hồ, đèn tín hiệu, kèn báo, các hạn chế hành trình…
– Kiểm tra các đường dây điện, hoàn chỉnh các chỗ hở, lỏng. Kiểm tra các rơle điện, cầu chì, các khởi động từ… mòn dơ thì có thể phục hồi hoặc thay thế, tiến hành căn chỉnh (nếu cần).
– Kiểm tra xiết chặt các bulông liên kết các cụm môtơ, tời, tủ điện của hệ thống xe con trên cầu trục.
– Kiểm tra khung dầm, các ray dẫn hướng, bánh xe di chuyển, lan can, tay vịn, bậc lên xuống, vệ sinh sạch sẽ và xiết chặt hoặc xử lý phục hồi nếu cần.
– Kiểm tra cụm móc, chốt ắc, puli cân bằng, cáp nâng, cáp (xích) tải và các khóa cáp…
Thực hiện các công việc trên trong thời gian từ 4 – 6 giờ, rồi thử hoạt động các cơ cấu của cầu trục xem có êm và ổn định không, để tiếp tục hoàn chỉnh cho phù hợp với tính năng kỹ thuật của cầu trục.
3. Bảo dưỡng kỹ thuật Cấp II:
Bảo dưỡng kỹ thuật Cấp II là công việc tiếp tục của BDKT Cấp I thực hiện một cách kỹ càng hơn.
– Sau khi thực hiện công việc vệ sinh sạch sẽ, kiểm tra bôi trơn các cơ cấu, các chi tiết động, châm thêm nhớt hoặc thay thế nhớt, kiểm tra xiết chặt các cơ cấu của hệ thống điện cũng như hệ thống cơ hoặc sau khi tiến hành khắc phục, sửa chửa hoặc thay thế các chi tiết của các cơ cấu cầu trục, tiến hành công tác kiểm nghiệm, điều chỉnh chúng cho phù hợp với tính năng kỹ thuật của cầu trục.
Công tác kiểm nghiệm của cầu trục cần chú trọng các nội dung sau:
– Kiểm nghiệm độ nhạy, độ chính xác của đồng hồ điện, đèn chỉ báo, các công tắc an toàn, cơ cấu hạn chế hành trình…
– Kiểm nghiệm tác động của các phanh cơ cấu, điều chỉnh khe hở cho phù hợp với từng cơ cấu.
– Kiểm nghiệm ray và độ lắp chặt, ổn định và cân bằng của chúng.
– Kiểm nghiệm sự ăn khớp của các bộ truyền động, sự linh động của các chốt ắc, các puli ròng rọc dẫn động…
– Kiểm nghiệm cả sức bền của dây áp nâng.
– Sau khi thực hiện công tác kiểm nghiệm, cầu trục phải đảm bảo hoạt động êm, điều khiển dễ dàng, các cơ cấu không phát sinh hiện tượng lạ. Cầu trục phải đảm bảo hoạt động an toàn ở chế độ tải trọng tối đa.
4. Bảo dưỡng kỹ thuật Cấp III:
Đây công việc thường được thực hiện với kế hoạch trung hoặc đại tu cầu trục thường do các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện.
Nội dung của BDKT Cấp III:
– Là tiếp tục công việc của BDKT Cấp II và làm cụ thể hơn, kỹ càng hơn.
– Tháo rời các cụm cơ cấu truyền động kín để kiểm tra dơ dảo, độ mòn, độ ôvan, độ ăn khớp của chúng để có biện pháp sửa chửa phục hồi thay thế.
– Kiểm tra độ mòn của các rãnh puli, ròng rọc, độ mòn của các lỗ ắc, bạc, chốt ắc, ổ bi của chúng, độ mài mòn của móc, các vết nứt, độ mòn của cáp, tang tời, độ mòn tang phanh, trống phanh, đến độ mòn của các bánh xe, ray xe con, ray cầu trục… Đối với phần hệ thống điện, kiểm tra từ các động cơ điện ( tháo kiểm tra các ổ bi, độ cách điện động cơ, độ mòn của góp…), kiểm tra độ mòn, dơ dão của các khởi động từ, các công tắc an toàn, kiểm tra độ không chính xác của các đồng hồ… Tiến hành rà xét sửa chửa, phục hồi hoặc thay thế mới nếu cần.
– Sau khi xử lý phục hồi xong có thể sơn lại toàn bộ cầu trục hoặc sơn lại từng phần, rồi tiến hành kiểm nghiệm lại toàn bộ các cơ cấu để sẵn sàng hoạt động ở mọi chế độ của cầu trục.