Bước đầu thực hiện có hiệu quả chức năng thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ
Bước đầu thực hiện có hiệu quả chức năng thanh tra chuyên ngành ATVSLĐ
An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) là một chính sách kinh tế xã hội quan trọng trong chiến lược phát triển của Đảng và Nhà nước ta. Ngày nay, trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế, việc thực hiện các chính sách xã hội của doanh nghiệp không chỉ còn là nghĩa vụ chấp hành pháp luật của doanh nghiệp mà còn là tiêu chí để doanh nghiệp cạnh tranh tồn tại hay không tồn tại trên thương trường Quốc tế.Công tác thanh tra, kiểm tra ATVSLĐ không chỉ nhằm phát hiện sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật; giúp cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng quy định của pháp luật; phát huy nhân tố tích cực; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước; bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người lao động; bảo vệ sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chính vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp cần hiểu rõ các nội dung của công tác thanh tra, kiểm tra về ATVSLĐ để giúp doanh nghiệp thực hiện tốt công tác này.
Thanh tra Cục An toàn lao động kiểm tra công tác ATVSLĐ tại nhà máy Tinh LợiThực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về ATVSLĐ đã được chính phủ quy định tại Nghị định số 110/2017/NĐ-CP ngày 04/10/2017 về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, từ ngày 18/4 đến ngày 10/5/2018, Cục An toàn lao động tổ chức Đoàn thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật ATVSLĐ, hoạt động dịch vụ kiểm định, huấn luyện ATVSLĐ hưởng ứng “Tháng hành động về ATVSLĐ” tại 16 đơn vị trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và từ ngày 07/6 đến ngày 20/6/2018, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, hoạt động kiểm định kỹ thuật ATLĐ, hoạt động huấn luyện ATVSLĐ tại 10 doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn thành phố Hà Nội theo kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt.Kết quả thanh tra cho thấy, cơ bản đơn vị đã chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, hoạt động dịch vụ kiểm định, huấn luyện ATVSLĐ. Tuy nhiên, các đơn vị hoạt động dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ còn một số vi phạm chủ yếu như: nội dung Chương trình khung, tài liệu huấn luyện cho các nhóm chưa cập nhật đầy đủ các chính sách pháp luật mới theo quy định; chưa lưu giữ đúng, đầy đủ chương trình huấn luyện chi tiết, tài liệu huấn luyện, danh sách người được huấn luyện, kết quả kiểm tra, sát hạch, bản sao giấy tờ chứng minh đủ điều kiện của người huấn luyện: Công ty CP kiểm định an toàn công nghiệp một, Trung tâm kiểm định công nghiệp II, Trung tâm thông tin môi trường Y tế, Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật an toàn công nghiệp, Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn Hà Nội, Công ty CP huấn luyện an toàn lao động và xây dựng Hà Nội, Trường Quản trị kinh doanh – Vinacomin.Các đơn vị hoạt động dịch vụ kiểm định kỹ thuật ATLĐ còn một số vi phạm chủ yếu như: chưa cập nhật đủ tài liệu kỹ thuật về từng đối tượng thuộc phạm vi kiểm định theo quy định (các QCVN năm 2016, 2017 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành); chưa ghi đầy đủ thông tin trong biên bản hiện trường: Trung tâm kiểm định kỹ thuật an toàn Hà Nội, Công ty TNHH tư vấn kiểm định kỹ thuật, an toàn Hà Nội, Trung tâm kiểm địn kỹ thuật an toàn máy, thiết bị nông nghiệp.
Bên cạnh đó, còn một số vi phạm chủ yếu khác về thực hiện công tác ATVSLĐ như: trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động chưa đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; chưa xây dựng chi tiết kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hàng năm; báo cáo định kỳ công tác ATVSLĐ, tai nạn lao động, hoạt động kiểm định, huấn luyện ATVSLĐ chưa thực hiện đầy đủ: Công ty TNHH kiểm định và công nghề 2, Công ty TNHH huấn luyện an toàn kỹ thuật Miền Nam…Có những tồn tại trên, nhưng Đoàn thanh tra cho rằng những vi phạm trên cơ bản do sự thiếu hiểu biết, chưa hiểu rõ quy định pháp luật của cơ sở, đơn vị, do đó khi có sự hướng dẫn của Đoàn thanh tra, cơ bản các đơn vị đã khắc phục được ngay những vi phạm và báo cáo giải trình khắc phục. Bên cạnh đó, còn một số hành vi cần có thời gian để thực hiện khắc phục, sửa chữa.
Bên cạnh việc cơ bản hoàn thành mục tiêu giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp chấn chỉnh lại việc thực hiện công tác ATVSLĐ, hoạt động dịch vụ kiểm định, huấn luyện ATVSLĐ theo đúng quy định, các đoàn thanh tra cũng đồng thời phát hiện những bất cập trong trong cơ chế chính sách để báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung như: nên thống nhất cơ quan quản lý đầu mối (Cục An toàn lao động) xây dựng nội dung, chương trình khung đào tạo kiểm định viên và mẫu chứng chỉ kiểm định viên giữa các Bộ để tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định; đề nghị hướng dẫn chi tiết hơn về hồ sơ pháp lý, hồ sơ liên quan tới hoạt động huấn luyện…
Trong thời gian tới tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, Cục An toàn lao động sẽ tổ chức thực hiện tốt các cuộc thanh tra tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Ninh Bình, thành phố Hồ Chí Minh và xây dựng tốt mục tiêu, phương hướng, kế hoạch thanh tra an toàn, vệ sinh lao động 2019, đồng thời rất cần sự chủ đồng, tụ giác từ phía doanh nghiệp, người lao động trong việc thực hiện công tác ATVSLĐ. Mặt khác cần có sự vào cuộc tích cực hơn của Báo chí, truyền hình, các phương tiện thông tin, truyền thông, kịp thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được các vi phạm, các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động xảy ra, các bất cập của cơ chế chính sách, quá trình thực thi để có biện pháp kịp thời sửa đổi, bổ sung, nhằm mục tiêu cuối cùng, cao nhất là giảm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo vệ sức khỏe, tính mạng người lao động, tài sản doanh nghiệp và ổn định chính trị, kinh tế, xã hội.